Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2007

Lược sử các tư tưởng sư phạm

Nền giáo dục phát triển do con người phải đấu tranh sinh tồn và phải được khai sáng (enlightenment)[1]. Quá trình tiếp nhận giáo dục của mỗi con người có thể chia thành:
o Nền giáo dục hình thức (Formal education): Nền giáo dục được xã hội cung cấp với mục đính hình thành cho mỗi cá nhân các kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện được các yêu cầu mà xã hội đó đòi hỏi. Nền giáo dục này thường thực hiện thông qua các bài giảng của các nhà giáo và các tài liệu học tập.
o Nền giáo dục phi hình thức (Informal education): là nền giáo dục mà cá nhân nhận được trong quá trình tích lũy tri thức, kỹ năng cần thiết trong quá trình sống và để sống phù hợp với nền văn hóa của xã hội đó.
  • GIÁO DỤC TRONG THỜI KÌ TIỀN SỬ
    - Trước khi có chữ viết con người đã phải đấu tranh khắc phục sức mạnh của thiên nhiên, của thú dữ, của bệnh tật và đôi khi là của … đồng loại để sinh tồn. Để sinh tồn con người phải phát triển các kỷ năng cần thiết để chống lại (hoặc để sống với) thiên nhiên và đồng loại. Việc làm đó hình thành dần các nền văn hóa và các đặc trưng giáo dục. Các kỹ năng này cần được truyền lại từ đời này cho đời khác, từ cha mẹ truyền sang cho con cái như các kỹ năng tìm kiếm thức ăn (săn bắn, hái lượm, trồng trọt), chế tác vũ khí và công cụ lao động, kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ; thiết lập các giá trị cho các hành vi xã hội; hình thành các niềm tin tôn giáo .v.v. Trong thời kì này nền giáo dục là phi hình thức và do cha mẹ, già làng, các thày tế đảm nhận và là một nền giáo dục trực tiếp (cá nhân – cá nhân). Do chưa có chữ viết nền giáo dục này phần lớn thông qua việc thị phạm và thông qua ngôn ngữ nói (các câu chuyện kể, các trường ca, các câu hát, ca dao, thành ngữ - ie: các folklore), ngoài ra cũng còn qua các biểu tượng, kí hiệu mà sẽ là tiền đề cho việc hình thành chữ viết.
  • GIÁO DỤC NGÀY XƯA Ở CHÂU PHI VÀ Ở CHÂU Á.
    - Ở Ai Cập (3000BC -500 BC) và ở Ấn Độ (1200 BC): Các thày tư tế dạy trong các ngôi đền (ở nước ta hiện nay điều này còn thấy khá rõ trong cộng đồng người Khmer hoặc người Chăm) không chỉ các giáo lý tôn giáo mà còn dạy chữ viết, toán học, kiến trúc và nhiều lĩnh vực (khoa học)[2] khác.. Các thày tu Ấn Độ dạy kinh Vệ Đà, Áo nghĩa thư Upanishads, văn phạm và triết học.
    - Ở Trung Quốc: Nền giáo dục hình thức của Trung Quốc bắt đầu từ thời nhà Đông Chu (770 BC – 256 BC) bao gồm thơ phú, tôn giáo, triết lí (Lão tử / Khổng tử). Xuất hiện dần quan hệ Thày – Trò (Sư phụ/đệ tử) và khái niệm lớp học (sư môn; cửa Khổng / Sân Trình) mặc dù khái niệm này chưa thực sự rõ ràng.
  • GIÁO DỤC Ở HY LẠP XƯA.
    - Các nhà sử học thường xem Hy lạp cổ là cội nguồn của nền giáo dục hình thức của phương tây. Trường ca Iliad và trường ca Odyssey (Thế kỷ VIII BC) thường được gán cho Homere nhưng thật sự đó có thể coi là một tác phẩm khuyết danh. Thông qua hai tác phẩm này và thông qua kịch tính của nó Homere tạo dựng nên một tinh thần thống nhất dân tộc của người Hy lạp, phục vụ cho một mục đích giáo dục cho thanh niên Hy lạp một cách rõ rõ ràng về hình mẫu của người thanh niên qua các nhân vật như Agamemnon, Odysseus,Achilles, .v.v.
    - Hy Lạp cổ chia ra nhiều thành bang như Athens, Sparta, Thebes… Thành bang Athens chú trọng đến giáo dục và xã hội dân chủ và từ đây xuất hiện khái niệm “công dân”. Chỉ có con của các công dân mới được đến trường - quyền học tập của phụ nữ tuy vậy vẫn chưa được xác lập và phụ nữ cũng không có bất kì quyền lợi nào. Thành phần nô lệ hoặc không phải công dân dĩ nhiên không có quyền lợi học tập. Thành bang Sparte chú trọng đến huấn luyện quân sự cho thanh niên. Phụ nữ thành bang Sparte được học nhiều hơn phụ nữ thành bang Athens nhưng chỉ chú trọng đến việc học các môn thể thao để có thể trở thành các bà mẹ khỏe mạnh của những chiến binh khỏe mạnh của Sparte trong tương lai!
    - Vào khoảng những năm 400 BC, các Sophist (Ngữ căn Hy lạp sophos: sự thông thái), gồm một nhóm các nhà giáo “lệch hướng” bắt đầu dạy học tại Athens. Họ tuyên bố sẽ dạy văn phạm, logic, và phép hùng biện cho tất cả những ai muốn học. Tuy nhiên nhóm Sophist chú trọng vào thuật lý luận hơn là dạy các chân lí vĩnh cữu và đạo đức.
    - Ngược lại với nhóm Sophist, nhà triết học (philosopher) (Hy lạp: Philosophos- bạn của sự thông thái) Socrates (mất năm 399 BC) tìm kiếm và giảng dạy các nguyên lí phổ quát của chân thiện mỹ. Socrates quả quyết rằng sự hiểu biết đích thực tồn tại sẳn trong mỗi con người và nhà sư phạm chỉ cần nâng nó lên ở tầm ý thức mà thôi
    [3]. Phương pháp giảng dạy của Socrates, còn được gọi một cách hình tượng là phương pháp đỡ đẻ (hay bóng bẩy hơn: phương pháp gợi mở), bao gồm việc đặt ra các câu hỏi thăm dò (probing question) nhằm buộc người học phải động não sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống, về chân lí và công lí.
    - Vào năm 387 BC Platon, môn sinh của Socrates, thành lập ở Athens một trường học lấy tên là Academy (ie: học viện, viện hàn lâm). Platon tin vào một thế giới bất biến với những chân lí có tính toàn bích và phổ quát. Platon quyết đoán rằng vì lẽ chân lí là như nhau ở mọi nơi và mọi lúc nên giáo dục - giống như chân lí - phải bất biến. Trong tác phẩm Republic (nền cộng hòa) Platon mô tả một xã hội mẫu mực được cai trị bởi những vì vua cực kì thông thái, các chiến binh là những công dân tầng lớp “hạng hai” của nền cộng hòa này và người lao động là tầng lớp thấp nhất có nhiệm vụ cung cấp cho nền cộng hòa thực phẩm và mọi nhu yếu phẩm khác. Trong hệ thống giáo dục “lý tưởng” của Platon, mỗi tầng lớp khác nhau sẽ được nhận một nền giáo dục khác nhau nhằm chuẩn bị cho họ thực hiện những vai trò xã hội khác nhau trong nền cộng hòa.
    - Vào năm 335 BC, Aristote - học trò của Platon, thành lập một trường của riêng mình ở Athens gọi là Lyceum (Hy lạp : lukeion). Aristote tin rằng nhân loại là duy lí (rationelle) và do đó Aristote nghĩ rằng mọi người có thể khám phá được các qui luật tự nhiên chi phối vũ trụ và từ đó có thể áp dụng những qui luật này vào cuộc sống. Ông cũng kết luận rằng người được giáo dục biết sử dụng lí lẽ
    [4] để ra các quyết định có thể làm cho cuộc sống điều hòa hơn và tránh được các hiểm nguy.
  • GIÁO DỤC Ở LA MÃ XƯA
    - Nếu người Hy lạp chú trọng nền giáo dục vào triết học thì người La Mã lại chú trọng vào chiến tranh, chính trị và sự cai trị. Giống như ở Hy lạp nền giáo dục La Mã cũng chỉ dành cho một thiểu số. Trường học chỉ dành cho những ai có tiền để trả học phí và có thì giờ để đến lớp. Con gái trong các gia đình giàu có học đọc học viết tại nhà trong khi con trai đến các trường tiểu học (primary school). Ở các trường trung học (secondary school) học sinh nam học văn phạm tiếng La tinh và tiếng Hy Lạp với các ông thày là các nô lệ người Hy Lạp (gọi là các pedagogue). Sau đó các nam thanh niên giàu có thường theo học các khóa hùng biện để chuẩn bị cho họ trở thành các nhà lãnh đạo (governor), nhà cai trị (administrator).
  • GIÁO DỤC Ở THỜI KÌ TRUNG CỔ
    - Thời Trung cổ - Khoảng từ thế kỷ V đến thế kỷ XV, giáo dục tây phương chịu ảnh hưởng nặng nề của Thiên chúa giáo, đặc biệt là chịu ảnh hưởng của Nhà thờ Công Giáo La Mã. Nhà thờ quản lí tất cả các trường học (các tu viện). Phần lớn việc giảng day đều hướng đến học tiếng La tinh – là ngôn ngữ La mã cổ dùng trong các nghi lể nhà thờ . Nhà thờ cũng cung cấp một số cơ hội hạn chế về giáo dục cho nữ giới ở các couvent (nữ tu viện). Một số các trường dành cho dân buôn và người làm thủ công. Các hiệp sĩ (Knight) học trong các trường về chiến thuật và tinh thần thượng võ. Cũng như Hy Lạp và La mã, nền giáo dục chỉ dành cho một thiểu số. Nền giáo dục chỉ ưu tiên cho những ai sẽ là chức sắc tôn giáo (Thày tu/ Nữ tu). Phần lớn dân chúng còn lại là mù chữ. Cũng trong thời kì Trung cổ những người ủng hộ triết học kinh viện tìm kiếm sự tiến lên bằng cách dùng logic kết nối giữa triết học Hy lạp cổ và thần học thiên chúa giáo. Việc dạy học sử dụng các khái niệm về lý trí và sự mặc khải để dạy người học cách thức suy nghĩ.
    - Cuối thế kỷ thứ X và các năm đầu thế kỷ XI nền giáo dục Ả Rập mới có ảnh hưởng đến nền giáo dục phương tây, từ đó phương tây có tư duy mới về toán học, khoa học tự nhiên, y học và triết học. Hệ thống chữ số của Ả Rập được sử dụng và trở thành nền tảng cho số học của phương tây. Ngược lại các học giả Ả Rập cũng bảo tồn và chuyển dịch các tác phẩm của các học giả tây phương như Aistote, Euclide, Ptolémé v.v. ra tiếng Ả rập, vì lẻ các tác phẩm này đã biến mất khỏi tây phương trong thời kì trung cổ. Các tác phẩm này nếu không có các học giả Ả Rập như Avicenne và Averroes thì đã thất truyền!
  • GIÁO DỤC TRONG THỜI KÌ PHỤC HƯNG
    - Thời kì phục hưng bắt đầu khoảng thế kỷ XIV và đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ XV. Các học giả trong thời kì này chú trọng hơn đến tính nhân văn – chú trọng đến tính thế tục hơn diện mạo tôn giáo - của tiếng Hy Lạp và tiếng La mã cổ. Những nhà giáo dục nhân văn tìm thấy lại ở đó các kiểu thức văn học cổ. Sự phục hưng mạnh mẽ nhất diễn ra ở Ý trong các lĩnh vực như văn học, kiến trúc.
    - Các nhà giáo dục nhân văn thiết kế các phương pháp giảng dạy để đào tạo ra các con người hoàn chỉnh (well-rounded), tự do (được giải phóng). Các nhà giáo dục nhân văn trong thời kì này như Desiderius Erasmus (Người Phổ) khuyên nên giảng dạy các môn học như khảo cổ học, thiên văn học, thần thoại học, lịch sử học và Kinh thánh. Giáo dục thời kì này nhấn mạnh vào việc dạy các môn học nhân văn như lịch sử, thơ ca, đạo đức học.
    - Phát minh ra máy in (Gutenbert – 1459) làm cho sách được phổ biến hơn và làm tăng số lượng người biết chữ, tuy nhiên trẻ em của tầng lớp trung lưu chỉ được học đến bậc tiểu học. Chỉ có trẻ em của tầng lớp quí tộc mới được học lên các cấp cao hơn.
    - Giáo dục cho phụ nữ cũng có một chút cải thiện trong thời kì phục hưng, chủ yếu là dành cho tầng lớp cao. Con gái của các gia đình giàu có có thể được học trong các lớp học ở cung đình hoặc có gia sư. Giáo dục dành cho các bé gái bao gồm nghệ thuật, âm nhạc, thêu thùa, khiêu vũ, thơ ca. Con gái của tầng lớp lao động, đặc biệt là nông dân, nói chung chỉ giới hạn trong việc học may vá và nấu nướng.
  • GIÁO DỤC Ở THẾ KỶ XVII
    - Các nhà giáo dục thế kỹ XVII phát triển nhiều hướng mới cho giáo dục. Nhà giáo dục Tiệp khắc Jan Komenski khai sinh một triết lí giáo dục mới gọi là Pansophism (hay: kiến thức phổ thông), nhằm làm nền giáo dục được phổ biến rộng rãi và hòa bình. Ông tin rằng có thể sử dụng các giác quan và cảm xúc để giáo dục cho trẻ em tốt hơn là ép buộc chúng phải thuộc lòng.
    [5]
    - Thời kì này cũng có John Locke - một triết gia người Anh – tin rằng người ta sinh ra với tâm trí như một tờ giấy trắng. Và chúng ta có được kiến thức, nhờ vào các thông tin đem lại từ giác quan. Vì vậy việc dạy học cần bắt đầu từ các điều đơn giản đến phức tạp, từ cụ thể đến tư duy trừu tượng.
    - Chương trình học mà Locke xây dựng bao gồm ngoại ngữ (tiếng Pháp), toán học, lịch sử, giáo dục thể chất và trò chơi.
  • GIÁO DỤC TRONG THỜI KÌ KHAI SÁNG
    - Thời kỳ khai sáng (Age of Enlightenment) của thế kỷ 18 tạo ra các thay đổi quan trọng về giáo dục và lý thuyết giáo dục. Suốt trong thời kì này các nhà giáo dục tin rằng con người có thể làm cho mình và xã hội tiến bộ nhờ vào lí trí phê phán. Tư tưởng của thời kì này tác động rõ ràng vào cuộc cách mạng Mỹ (1775-1783) và giai đoạn đầu các chính sách giáo dục của Mỹ. Nhà triết học và nhà khoa học Benjamin Franklin nhấn mạnh đến giá trị thiết thực và khoa học trong các trường học Mỹ. Thomas Jefferson, tổng thống thứ 3 của Mỹ, đặt nặng tầm quan trọng của nền giáo dục dân sự cho các công dân của một nước dân chủ. Các nguyên lí khai sáng xem giáo dục như một công cụ của để cải cách xã hội.
    - Một trong các nhà tư tưởng của thời đại khai sáng, Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) cho rằng tự do cá nhân thì quan trọng hơn là thể chế của một quốc gia. Các tác phẩm chính trị của ông
    [6] đã thôi thúc cuộc cách mạng tư sản Pháp (1789-1799). Ông cũng viết một tác phẩm nổi tiếng về giáo dục[7] trong đó ông biện giải rằng trẻ em sẽ học tập tốt nhất trong điều kiện được tương tác tự do với môi trường sống và từ những điều gây ra sự hứng thú. Tư tưởng về giáo dục của ông góp phần vào cuộc tái định dạng lại giáo dục của thế kỷ 20.
  • GIÁO DỤC THẾ KỶ XIX
    - Các nền tảng của giáo dục hiện đại đã được hình thành trong thế kỷ 19. Nhà giáo dục Thụy Sĩ Johann Heinnich Pestalozzi (1746-1827)- được thôi thúc bởi các công trình của Jean-Jacques Rousseau – phát triển phương pháp dạy học dựa trên thế giới tự nhiên và giác quan. Pestalozzi thành lập các trường ở Thụy Điển và Đức để đào tạo giáo viên và giáo dục trẻ em. Ông xác tín rằng trường học phải có cái gì đó giống với sự an bình của gia đình
    [8]. Cũng như Locke và Rousseau, Pestalozzi tin rằng kiến thức bắt nguồn từ cảm xúc và rằng việc giảng dạy phải sử dụng các giác quan, tức cái mà chúng ta hiện nay giảng giải là “việc dạy học phải bắt đầu từ trực quan sinh động tới tư duy trừu tượng”. Pestalozzi sử dụng các nguyên lí sau trong dạy học:
    · Luôn luôn bắt đầu với các vật, sự việc cụ thể trước khi dẫn tới các ý niệm trừu tượng (cụ thể -> trừu tượng).
    · Luôn luôn bắt đầu với môi trường gần gủi trực tiếp trước khi liên hệ tới các thứ xa vời (gần -> xa).
    · Luôn luôn bắt đầu với các bài tập dễ trước khi với tới các bài tập phức tạp (dễ -> khó).
    · Luôn luôn tiến dần từng bước, tích lũy từng bước.
    - Nhà triết học Đức Johann Herbart (1776-1841) nhấn mạnh tới giáo dục phẩm hạnh (moral education) và cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của giáo dục là dạy người (moral development) và do đó những đức tính thì thuận tiện cho tri thức trong khi tính xấu là do sự giáo dục không đạt. Ông tin tưởng rằng giáo viên có thể giúp trí tuệ của học sinh phát triển thông qua các bài giảng được xây dựng một cách có hệ thống. Dựa trên công trình của ông, những người kế tục đưa ra phương pháp dạy học gồm 5 bước sau đây:
    1. Chuẩn bị để học sinh sẳn sàng tiếp thu bài mới.
    2. Giới thiệu bài mới.
    3. Gắn kết bài mới với các kiến thức đã được học trước đó.
    4. Dùng các ví dụ để minh họa cho những điểm chủ yếu của bài dạy.
    5. Kiểm tra để biết chắc rằng học sinh đã hiểu được bài.
  • Các bước lên lớp này cho đến hiện nay vẫn còn thể hiện rất rõ trên giáo án của các giáo viên chúng ta:
    1. Chuẩn bị
    2. Kiểm tra bài cũ.
    3. Dạy bài mới.
    4. Củng cố.
    5. Dặn dò.
  • GIÁO DỤC TRONG THẾ KỶ XX
    - Thế kỷ 20 chứng kiến sự bùng nổ nền công nghiệp cơ khí và điện khí hóa. Nửa sau của thế kỷ 20 còn chứng kiến sự bùng nổ của nhiều ngành kỹ thuật: hàng không, hàng hải, điện tử, năng lượng nguyên tử, điện tử và cuối cùng là công nghệ thông tin số hóa với các máy tính điện tử nối mạng. Thế kỷ 20 diễn ra hai cuộc đại thế chiến khủng khiếp và nhiều cuộc chiến tranh khu vực dữ dội. Thế kỷ 20 cũng chứng kiến cuộc cách mạng vô sản Nga - hình thành nhà nước Xô Viết - đem lại niềm tin cho mọi con người thèm khát sự tự do và công bằng xã hội.
    - Đây là thế kỷ mà nhu cầu đào tạo nhân lực cho các nền kinh tế đột ngột vượt lên rất cao. Nhân lực cho các nhà máy, xí nghiệp; Nhân lực cần cho các nước vừa được giải phóng khỏi chế độ thực dân; Nhân lực để vượt lên khỏi sự lệ thuộc kinh tế đối với các nước lớn. Bài toán giáo dục của thế kỷ 20 đòi hỏi các nước nói chung:
    - Làm sao đảm bảo cho mọi công dân đều được hưởng nền giáo dục tới một trình độ phổ cập nhất định.
    - Làm sao thỏa mãn một nền giáo dục càng lúc càng đòi hỏi nhiều hơn kinh phí trong khi ngân sách chỉ có hạn.
    - Làm sao dung hòa giữa sự phát triển toàn diện của cá nhân với sức ép chuyên môn hóa ngành nghề trong xã hội.

    - Chủ nghĩa thực dụng của John Dewey: Dewey cho rằng giáo dục nhằm thỏa mãn và làm giàu con Người trong cuộc sống hiện tại của nó cũng quan trọng không kém việc chuẩn bị cho nó trong tương lai. Theo ông, mục đích của giáo dục là tổ chức và ứng dụng kiến thức, nhưng chính người học (chứ không phải giáo viên) là đối tượng làm nhiệm vụ tổ chức này. Chính người học sẽ tìm thấy ý nghĩa của kiến thức một khi chúng được chính người học kiểm nghiệm qua thực tế.
    ….
    - Tư tưởng Xô viết về giáo dục[9]: Giáo dục thông qua lao động và trong lao động tập thể. Thực chất là tiếp tục các ý tưởng của các nhà khai sáng và của các tư tưởng tiến bộ trong thế kỷ 19 cộng với các hoạt động/lao động tập thể có định hướng nhằm hình thành niềm tin và thái độ của con người mới cộng sản chủ nghĩa.
    Hạn chế của giáo dục thế kỷ 20: Dù đã đạt được rất nhiều tiến bộ, giáo dục đã chú trọng nhiều hơn đến tính nhân văn, nhưng chính sự tổ chức giáo dục thành các lớp học đã “buộc phải bỏ rơi” nhiều cá nhân không thể thích ứng chung với tốc độ giáo dục đã được “chương trình hóa”.
  • NHỮNG KHUYNH HƯỚNG CỦA GIÁO DỤC THÉ KỶ XXI

Trong khuynh hướng toàn cầu hóa nền kinh tế trong điều kiện bùng phát cuộc cách mạng công nghệ thông tin và tiến tới một xã hội tri thức, rất nhiều vấn đề đặt ra cho giáo dục trong đó có thể kể:

- Mối tương quan giữa học tập từ xa (distant learning), học tập trên mạng (e-learning) và vai trò truyền thống của nhà trường.

- Những thay đổi về vai trò trong mối tương quan giữa người dạy và người học

- Những vấn đề về chương trình học

- Vai trò của cộng đồng với nhà trường. ….

[1] Có một thuật ngữ hay hơn: Khai tâm. Nhưng trong thời kì này thuật ngữ này là chưa xác đáng.
[2] Chữ “khoa học” được để trong dấu ngoặc vì vào lúc đó chưa có thuật ngữ này.
[3] Là một quan điểm duy tâm chủ quan!
[4] Đối chiếu: “Ngọc bất trác bất thành khí - Nhân bất học bất tri lí”
[5] Tham khảo: Rémy dạy em trong truyện “Sans famille” của Hector Malot.
[6] Du contrat social (Khế ước xã hội).
[7] Émile.
[8] Tham khảo: “Mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương…” lời của một bài hát.
[9] Tham khảo: V.A. Xukhômlinxki (Trái tim tôi hiến dâng cho trẻ /Giáo dục thái độ cộng sản đối với lao động/ Hình thành niềm tin cộng sản cho thế hệ trẻ)

Xin chào

Xin chào tất cả các bạn đã đến với blog này. Đây là blog tạo ra nhằm phục vụ việc học tập nghiên cứu của các bạn về PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC. Các thông tin liên quan về khóa học sẽ được thông báo trên blog này. Các bạn có thể nghiên cứu và tham gia giải quyết các vấn đề đặt ra bởi cộng đồng các học viên có quan tâm đến môn học. Các bạn có thể đóng góp ý kiến. Yêu cầu về việc tổ chức khóa học .v.v.. Chúng tôi sẽ thường xuyên theo dõi các ý kiến của các bạn và sẽ cố gắng đáp ứng các yêu cầu đó trong khả năng có thể được của công nghệ và các qui định về học tập bộ môn.