Thứ Năm, 6 tháng 3, 2008

DẠY HỌC LÀ GÌ ?!


Để trả lời các câu hỏi về phương pháp giảng dạy có lẽ trước hết cần truy nguyên tới một câu hỏi quan trọng của mọi thày/cô giáo khi suy ngẫm về nghề nghiệp của mình:


Dạy học là gì?
Nhiều tác giả cho rằng: “Dạy học là toàn bộ các thao tác có mục đích nhằm chuyển các giá trị tinh thần, các hiểu biết, các giá trị văn hóa mà nhân loại đã đạt được hoặc cộng đồng đã đạt được vào bên trong một con người”. Quan niệm này lí giải đầy đủ cách mà nền giáo dục đang cố gắng đào tạo những con người thích ứng với những nhu cầu hiện tại của xã hội. Tuy nhiên quan niệm này làm cho nền giáo dục luôn đi sau sự phát triển của xã hội. Bởi vì nó chỉ có nhiệm vụ tái hiện lại các giá trị tinh thần xã hội đã được vật chất hóa bằng cách nào đó để trở lại thành giá trị tinh thần bên trong người học. Quan niệm đó đi ngược lại quan niệm của Socrate về giáo dục trong đó giáo dục có nhiệm vụ “đở đẻ” các ý niệm vốn có trong mỗi con người, để cho ý niệm đó được khai sinh và trở thành giá trị tinh thần chung của nhân loại. Quan niệm đó cũng hạn chế nền giáo dục hướng đến một phương pháp giáo dục giúp cho người học trở thành những con người sáng tạo, vượt qua được những giá trị tinh thần hiện có của xã hội. Thời đại của chúng ta, và hơn nữa xã hội chúng ta đang hướng đến một xã hội tri thức. Một xã hội mà tri thức của con người đang được số hóa với một tốc độ cực lớn, làm cho tri thức dễ dàng và nhanh chóng trở thành tài sản chung. Tuy nhiên xã hội tri thức không chỉ có nhiệm vụ tích hợp các kiến thức của con người đã đạt được trong những phương tiện lưu trữ dung lượng cực lớn, trong các cơ sở dữ liệu khổng lồ mà còn có nhiệm vụ từ đó nhân lên khối lượng kiến thức này thành các kiến thức mới có chất lượng cao hơn nữa.
Triết học Mác nói rằng “Lượng đổi thì chất đổi. Lượng thay đổi một cách tiệm tiến còn chất thì thay đổi một cách nhảy vọt”. Phạm trù về mối tương quan giữa lượng và chất này hoàn toàn đúng trong các hoạt động giáo dục. Người ta đã tính ra rằng khối lượng kiến thức hiện nay của nhân loại trong vòng 20 năm trở lại đây đã tăng bằng tổng khối lượng kiến thức mà nhân loại đạt được trong toàn bộ lịch sử trước đó của nó. Sự tăng về khối lượng kiến thức đó nhất thiết phải kéo theo sự thay đổi về chất tri thức của con người. Sự thay đổi về chất đó là gì? Con người của thời đại hiện tại không chỉ có nhiệm vụ học tập và nhớ các kiến thức sẳn có mà còn đòi hỏi con người phải có khả năng từ khối lượng tri thức đó sản sinh ra các giá trị vật chất và tinh thần mới ...và nắm bắt tri thức mới. Thời đại của máy tính và mạng Internet đã làm cho mọi biên giới văn hóa, kinh tế dần bị xóa nhòa. Nếu trước đây việc tìm kiếm sở hữu tri thức là quan trọng hàng đầu trong cuộc đấu tranh sinh tồn, việc tích lũy kiến thức (nhớ) là ưu tiên 1 thì giờ đây khi mà các phương tiện lưu trữ đã quá đầy đủ, quá sẳn sàng cho việc truy cập và xử lí thì ưu tiên 1 lại là khả năng nhanh chóng tiếp cận tri thức mới, khả năng vận dụng tri thức mới và khả năng ... "đẻ" ra tri thức mới. Một ví dụ rất rõ ràng là trong vòng vài tháng thì công nghệ phần cứng của máy tính lại có một công nghệ mới, trong vòng vài năm thì Microsoft (chưa kể đến các hảng phần mềm khác!)lại xuất ra một phiên bản OS mới với nhiều tính năng mới, .v.v. con người phải có khả năng thích ứng liên tục và nhanh chóng - chẳng những về tri thức mà còn về kỹ năng - với một tốc độ cực cao. Nếu cuộc cách mạng kỹ thuật của thế kỹ trước đã nối dài cách tay con người thì nay cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã bố trí thêm cho mỗi con người vô số bộ óc bên ngoài cơ thể. Cách tay của con người trong thế kỹ trước cần được đào tạo để chế tạo và điều khiển những cách tay máy thì trong thời đại hôm nay bộ óc con người cần được đào tạo để chế tạo và điều khiển những bộ óc máy. Nhưng con người là con người! Những kiểu tâm trạng và kiểu cảm xúc của nó nói chung là bất biến đối với thay đổi kỹ thuật. Những vấn đề cốt lõi của con người về hạnh phúc, về sự sống, về cái chết, về chiến tranh và hòa bình, về khả năng sống hòa hợp trong không gian các giá trị văn hóa của cộng đồng .v.v. hầu như không hề tay đổi! Và nó cũng phải được đào tạo để thích ứng với điều đó!
Vậy có lẻ hợp lí hơn nếu cho rằng:
Dạy học là một quá trình gồm toàn bộ các thao tác có tổ chức và có định hướng giúp người học từng bước có năng lực tư duy năng lực hành động với mục đích chiếm lĩnh các giá trị tinh thần, các hiểu biết, các kỹ năng, các giá trị văn hóa mà nhân loại đã đạt được để trên cơ sở đó có khả năng giải quyết được các bài toán thực tế đặt ra trong toàn bộ cuộc sống của mỗi người học

Khi đó chúng ta sẽ nói tới phương pháp dạy và học trong ngày hôm nay:


Phương pháp giảng dạy:
Không có “phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm”. Đó không phải là một phương pháp. Đó chỉ là một quan niệm về việc dạy học. Phương pháp dạy học là cách thức mà người dạy tuân thủ suốt trong quá trình thực hiện các công việc liên quan đến việc dạy nhằm làm cho việc dạy đạt được mục đích yêu cầu học của người học.
Nói tới phương pháp dạy học là nói tới công nghệ dạy học, bao gồm các thao tác tổ chức môi trường dạy và học, tổ chức chương trình học, tổ chức thời gian học, tổ chức việc dạy, tổ chức việc học, tổ chức đánh giá kết quả học.
Mặc dù vậy, đánh giá kết quả của việc dạy lại là thẩm quyền của xã hội! Các trình độ xã hội khác nhau và mục tiêu mà xã hội đó muốn đạt tới đặt ra các mục tiêu giáo dục khác nhau. Các mục tiêu giáo dục khác nhau dẫn đến các quan niệm về giáo dục khác nhau. Đến phiên các quan niệm về giáo dục khác nhau trong mỗi hoàn cảnh cụ thể sẽ ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn phương pháp dạy học.
Việc lựa chọn một phương pháp dạy học cụ thể, trong một hoàn cảnh dạy học cụ thể, là công việc của người dạy và chỉ do người dạy quyết định. (Tuy nhiên việc đánh giá kết quả công việc dạy học của người dạy lại là quyền của xã hội!)

I. Quan niệm dạy học lấy người học làm trung tâm.
Để xem xét vấn đề này trước hết chúng ta cần xem xét một số vấn đề và một số khái niệm có liên quan:
· Công nghệ dạy học:
Công nghệ dạy học hiểu theo nghĩa rộng nhất là việc tổ chức các quá trình của hoạt động dạy, hoạt động học đồng thời với việc tổ chức các thành tố khác có tham gia vào hai hoạt động đó. Nói dạy học theo một công nghệ dạy học là nói đến quá trình tổ chức dạy học được thiết kế tỉ mỉ, được chia thành các nguyên công và các qui tắc tiến hành công việc dạy học một cách chặt chẽ. Các nguyên công này bao gồm: Tổ chức môi trường dạy/ học; Phương pháp dạy; Phương pháp học; Phương tiện dạy học.
* Lịch sử công nghệ dạy học:
Nhìn lại lịch sử giáo dục, nhìn lại mối tương quan giữa người dạy và người học, lịch sử công nghệ dạy học đã đi một vòng phát triển xoáy trôn ốc:
Thời sơ khai: Trong lịch sử phát triển của loài người có lẽ hoạt động giảng dạy xuất hiện lần đầu tiên khi người cha dẫn người con đi săn bắn-hái lượm. Trong hoạt động đó người cha truyền đạt cho người con những hiểu biết và kỹ năng cần thiết để tồn tại, đồng thời cũng truyền cho con những qui tắc ứng xử giữa con người và thiên nhiên, qui ước ứng xử giữa các con người trong bộ tộc (cũng tức là những yếu tố văn hóa nguyên khai nhất nhằm giải thích ý nghĩa xã hội của cuộc sống). Hoạt động này diễn ra bằng mối giao tiếp toàn vẹn giữa Một Người – Một Người. Người Cha hiểu biết cặn kẻ về trạng thái hiểu biết và kỹ năng của con và có thể đáp ứng tức thời và trực tiếp nhu cầu học tập của con. Hoạt động dạy và học này có thể xem là hoạt động dạy học không chính qui (informal education) vì nó diễn ra tự phát. Tuy nhiên hoạt động đó có những ưu điểm mà các hình thức dạy học về sau khó lòng đạt được là:
o Tương tác trực tiếp, tức thời giữa người dạy và người học.
o Người học được đặt trong môi trường học tập một cách đầy đủ (ở đây là thiên nhiên trong bối cảnh tự nhiên của nó).
o Người học được phát triển một cách toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần theo như nhu cầu về cuộc sống của nó.
Nhưng điều đó không thể kéo dài trong lịch sử nhân loại. Sẽ có sự phân công trong bộ lạc để dần tiến lên một kiểu xã hội tiến bộ hơn. Người cha sẽ không thể có đủ hiểu biết và các kỹ năng cần thiết để dạy cho người con nữa. Cần thiết có sự xuất hiện những người chuyên trách nhiệm vụ đặc biệt này: Ông Thầy. Đây là người sẽ đảm nhận trọng trách dạy cho người khác hoặc là cách sống giữa xã hội (sống có văn hóa) hoặc là cách kiếm sống bằng một kỹ năng nhất định nào đó (nghề nghiệp) hoặc là cả hai điều đó. Điều này còn để lại dấu ấn trong ngôn ngữ của chúng ta. Dân gian vẫn dùng từ “Thày” để chỉ tất cả những ai dạy cho mình ít ra một hai điều đó: Thày chùa, Thày nghề, Thày lang .v.v.. Trong đó dành riêng một từ “Thày giáo” để chỉ những ai “chuyên trách” (formal education) công việc dạy.
Tới giai đoạn này thì Một Ông Thày không còn dạy cho Một Người Học nữa. Điều đó rõ ràng là kém hiệu quả. Ông thày bắt đầu có nhiều môn sinh – Mặc dù tại mỗi thời điểm ông thày có thể chỉ dạy một người học – và bắt đầu xuất hiện khái niệm trường học
Thời kì phong kiến nông nghiệp: “Ông thầy/ ông đồ” có mối liên hệ cá nhân với mỗi một người học. Tại mỗi thời điểm ông thầy dạy theo đúng với trạng thái trí tuệ của “cá nhân” người học và không bị ràng buộc bởi bất kì một chương trình, một phân bố thời lượng nào cho môn học. “Ông thầy” giảng bài cho “cá nhân” người học. Lời nói, đối thoại giữa thầy và trò là công cụ dạy và cũng là công cụ học tập chủ yếu.
Thời kì công nghiệp hoá, cơ khí hóa: Do nhu cầu đào tạo nhanh một số lượng đông, đồng nhất về trình độ để phục vụ cho xã hội công nghiệp hoá, và tăng hiệu quả việc tổ chức dạy học, người học được tập trung lại theo từng lớp học. “Ông thầy” giảng bài cho “tập thể” lớp học. Trong quá trình giảng bài, ông thầy phải giả định “một học sinh ảo trung bình” làm đơn vị thước đo trung bình cho kiến thức cần truyền đạt, đánh giá người học qua năng lực cần đạt được của “học sinh ảo trung bình” này và buộc phải tuân thủ chặt chẻ chương trình qui định và thời lượng qui định. Ở mọi thời điểm, mỗi người học dù ở mức năng lực nào, trạng thái trí tuệ và tâm lí nào cũng phải lấy “học sinh ảo trung bình” này làm tiêu chuẩn đối chứng. Việc dạy học “đảm bảo thích hợp cho 4 đối tượng: Giỏi / Khá / Trung bình / Yếu” là một cố gắng tuyệt vọng hướng tới đảm bảo chỉ số đánh giá trung bình, vì làm sao một lớp học với 30 học sinh mà chỉ có 4 đối tượng được[1] ! Lời nói trở thành công cụ dạy chủ yếu. Đối thoại giữa thầy và trò bị giảm thiểu – thậm chí bị triệt tiêu. Ngưòi học chủ yếu là nghe để học. Đồng thời với sự phát triển công nghệ, việc dạy học đòi hỏi thêm nhiều phương tiện dạy học dạy học hơn: Bảng, phấn, sách vở, phương tiện trực quan, phương tiện thí nghiệm. Tuy nhiên, dù có sự giúp sức của các phương tiện dạy học, sự truyền thông hướng từ thầy tới trò vẫn là con đường truyền thông chủ yếu cho phần lớn kiến thức, kỹ năng, các giá trị đạo đức mà xã hội muốn truyền đạt cho thế hệ trẻ.
Dự kiến cho thời kì xã hội thông tin: Mở ra khả năng người học, nhờ vào công cụ học tập là máy tính, và các phương tiện truyền thông đa phương tiện nói chung - có thể học tập theo trạng thái tức thời của mình đồng thời cũng không vượt xa khỏi định hướng chung của môn học. Quan sát bất kì giờ học nào trên máy tính cũng thấy rất nhiều học viên đang trong nhiều trạng thái chương trình, rẻ nhánh chương trình khác nhau – đang tập trung giải quyết các khối lượng thông tin khác nhau, các hướng đi khác nhau để đến cùng một mục đích do định hướng chung của môn học qui định. Không thể nào bắt buộc mọi học viên đều cùng có bước phát triển chương trình như nhau. Mặt khác, giao tiếp người – máy thông qua các giao diện thích hợp mở ra khả năng giảm thiểu việc dùng lời-giảng-cho-cả-lớp. Giao tiếp “người - máy tính” cũng mở lại khả năng giao tiếp: “Ông thầy – máy tính” làm việc với “cá nhân” người học. Mở lại khả năng dạy theo đúng với trạng thái trí tuệ của “cá nhân” người học và không bị ràng buộc cứng ngắc bởi bất kì một chương trình, một phân bố thời lượng nào cho môn học như đã từng có trong lịch sử dạy học trước đó, nhưng với một chất lượng dạy/học cao hơn nhiều. Người dạy bây giờ tập trung nhiều hơn, và có nhiều khả năng hơn vào việc điều khiển học tập của từng người học. Công nghệ thông tin hiện đại đã trở thành công cụ dạy và cũng là công cụ học.
Một đặc điểm hết sức quan trọng hiện nay của việc thủ đắc kiến thức là con người có thể thủ đắc gần như đầy đủ các kiến thức thông qua hệ thống máy tính và các phần mềm giáo dục mà không nhất thiết phải có sự hiện diện của “ông thầy bằng xương bằng thịt”. Nói cách khác sự hiện diện của ông thầy có vẻ như trong chừng mức nào đó “làm cho triệt tiêu” được! Vậy thì vai trò của “ông thầy bằng xương bằng thịt” là chổ nào trong toàn bộ quá trình dạy và học? Vấn đề là người học, đặc biệt là trẻ em, vẫn rất cần phải có người điều chỉnh hoạt động học. Các quá trình tâm sinh lí và trạng thái ý thức của người học trong quá trình học vẫn chưa và có lẽ sẽ không thể nào điều khiển bằng một chương trình tự động hóa được. Việc đánh giá trạng thái tâm lí, yếu tố có tác động to lớn đối với hoạt động trí tuệ và hành vi của người học chỉ có thể được thực hiện bởi những kinh nghiệm dạy của “ông thầy” để đưa ra các tác động điều khiển học tập cần thiết và thích hợp cho mỗi cá nhân học viên.
Mỗi xã hội và nền tảng kinh tế của nó hình thành nên một công nghệ dạy học thích ứng với nhu cầu của nó. Nhưng một xã hội cũng không cần phải kinh qua mọi hình thái tổ chức dạy học như các hình thái mà lịch sử tổ chức xã hội đã kinh qua:
Giáo dục có sức mạnh hơn quá trình hiện thực ở chỗ, vì đi sau, nó không nhất thiết phải đi vòng vèo, rơi vào những chỗ xoáy ngược trở lại của dòng lịch sử và nói chung không cần phải tự mình thí nghiệm những nỗi dằn vặt trong những lúc tròng trành của con thuyền sự vật ở trong dòng lịch sử ấy”. Nếu khôn ngoan, nó sẽ biết làm theo con đường lich sử đã “rút gọn”.[2]
Tuy nhiên, công nghệ thông tin không làm cho công việc người dạy trở nên nhẹ nhàng hơn, cũng không làm cho việc nắm bắt kiến thức của nhân loại dễ dàng hơn như nhiều người vẫn tưởng – thậm chí người dạy và người học còn phải vật lộn nhiều hơn với sự bùng nổ hoặc quá tải thông tin. Công nghệ thông tin chỉ đem lại cho người dạy, người học các khả năng to lớn hơn, hiệu quả hơn trong dạy và học mà thôi! Do đó “Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” mãi vẫn còn là điều mà người làm công tác giáo dục phải kiên trì phấn đấu.
II. Phương pháp giảng dạy tin học.
Nếu các nội dung liên quan đến công nghệ thông tin có thể và cần được giảng dạy trong nhà trường với tính cách là một bộ môn riêng lẻ, và nếu bộ môn ấy có những đặc thù về tổ chức môi trường dạy và học cũng như có nét tư duy bộ môn khác biệt so với mọi môn học khác trong nhà trường thì chắc chắn phải có một phương pháp dạy học dành riêng cho nó. Phương pháp dạy học đó phải kế thừa các phương pháp dạy học đã biết đồng thời phải có những nét khác biệt do nó sử dụng các thành tựu công nghệ thông tin ở trình độ cao.
Quá trình dạy / học có thể hiểu như một quá trình truyền thông mà nhân vật trung tâm, mục tiêu của quá trình truyền thông này là người học. Mọi tác nhân có liên quan đến quá trình dạy/học đều hướng tới sự hoàn thiện cá nhân người học thông qua sự thụ đắc kiến thức, rèn luyện kỹ năng và hình thành nhân cách của người học.
Trong hình trên chúng ta có thể thấy người học ở trung tâm của mọi con đường kiến thức: Người học có thể tìm kiếm sự hoàn thiện đó qua thầy cô giáo, máy tính và mạng máy tính, sách vở, hoạt động nghệ thuật, môi trường tự nhiên, xã hội, gia đình, các phương tiện nghe nhìn, ... trong đó người dạy giữ vai trò quan trọng nhất vì khi đó hoạt động dạy/học là hoạt động có mục tiêu và có định hướng rõ ràng nhất. Điều đó cho ta thấy chính người học là trung tâm của hoạt động dạy/học chứ không phải thày cô giáo. Hoạt động dạy của thày cô giáo chỉ là một phần của môi trường học tập đó mà thôi! Và điều đó ngày càng trở nên rõ ràng, cấp thiết hơn trong xã hội bùng phát thông tin hôm nay. Sự hoàn thiện đó đòi hỏi nhiều phương tiện truyền thông khác nhau (truyền thông đa phương tiện – multimedia communication). Và vì vậy hiện nay "dạy"đồng nghĩa với “dạy cách học” chứ không phải “dạy kiến thức”. Kiến thức sẽ đến với người học từ nhiều nguồn khác nhau – không nhất thiết kiến thức, kỹ năng luôn luôn đến với người học là từ người dạy!

Cũng như mọi quá trình truyền thông tổng quát, luôn luôn xuất hiện một chiều thông tin tới người học và một chiều thông tin phản hồi từ phía người học đến các tác nhân dạy. Sự truyền thông đó luôn luôn có những tác nhân gây nhiễu. Nhiễu trong quá trình truyền thông này trong thực tế không thể loại bỏ hoàn toàn được mà chỉ có thể làm giảm đi càng nhiều càng tốt. Như vậy lượng thông tin nhận được khi nào cũng bị suy giảm so với lượng thông tin được phát đi. Độ lớn của sự suy giảm này phụ thuộc vào:
- Kỹ thuật mã hoá thông tin.
- Kỹ thuật giải mã thông tin.
- Cường độ của nhiễu.
- Kỹ thuật của đường truyền (vật mang thông tin).
Như vậy để giảm thiểu thông tin bị thất thoát cần nâng cao chất lượng mã hoá, giải mã, hạn chế các nguồn gây ra nhiễu và kỹ thuật truyền tin. Có một kỹ thuật chống nhiễu: đó là kỹ thuật dùng mã thừa sửa sai (CRC - cyclic redundancy check). Kỹ thuật này dùng cách truyền thêm một lượng thông tin dư thừa so với lượng cần truyền đi. Ở nơi nhận, lượng thông tin dư thừa này sẽ được dùng để phối kiểm liệu thông tin nhận được có chính xác hay không. Nếu thông tin nhận được là không chính xác thì có thể dùng ngay mã thừa sửa sai này để điều chỉnh ngay hoặc, trong tình huống xấu nhất, yêu cầu thông tin phải được nơi phát truyền lại lần nữa!
Đối với quá trình dạy/học nơi nhận tin là con người do đó sự thất thoát thông tin này còn do một yếu tố nữa hoàn toàn có tính chất tâm lí học: đó là yếu tố tâm lí – sinh học đối với kỹ thuật truyền tin. Các thống kê sau đây cho thấy với các vật mang tin khác nhau ảnh hưởng đến khả năng nhận tin của “người” nhận tin như thế nào:

Lượng thông tin phát ......... Vật mang tin ......... Lượng thông tin nhận
.......(100 %) ................................Lời nói ...........................5% - 10 %
........(100%)................................Hình ảnh ..............................20 %
........(100%)...........................Lời nói + Hình ảnh......................25 %
........(100%).......................... Thao tác thí nghiệm ..................75 %

Điều này có nghĩa là nếu giáo viên chỉ dùng lời giảng và phương pháp đọc ghi thì có khả năng 90% kiến thức truyền giảng bị rơi mất khỏi tâm trí học sinh!
Khi đặt người học ở trung tâm ảnh hưởng của các tác nhân dạy tức là đã dùng kỹ thuật truyền tin đa phương tiện và kỹ thuật mã thừa sửa sai để nâng lượng thông tin thu nhận được lên đến mức tối đa có thể được.

Cước chú:


[1] Nhiều nhà giáo dục còn đi xa, cực đoan hơn trong việc đánh giá việc dạy học theo từng “lớp học”. Ý kiến sau đây là của Tiến sĩ Seymour Paper – thuộc Phòng thí nghiệm Media của Học viện Công nghệ Massachusetts, dự án “Nhà trường của tương lai”: “Không thể dự báo được trường học trong tương lai sẽ như thế nào. Lịch sử thường thông minh hơn nhiều so với những nhà tương lai học. Nhưng rất dễ dàng dự báo trường học sẽ không còn như thế nào. Tôi tin chắc rằng việc phân chia trẻ em theo tuổi trong các “lớp học” sẽ được xem như là một phương pháp lỗi thời và vô nhân đạo của kỷ nguyên “sản xuất dây chuyền”. Tôi nghĩ rằng nội dung của những gì chúng ta học sẽ rất ít giống với chương trình hiện nay” . Trích tài liệu tham khảo về CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC – Gs. Lâm Quang Thiệp dịch – Tài liệu Đổi mới phương pháp dạy học trong các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên trung học cơ sở – Bộ giáo dục và đào tạo - Dự án đào tạo giáo viên trung học cơ sở – Hà Nội tháng 9/2003. Trang 110.


[2] BÀI HỌC LÀ GÌ? – Hồ Ngọc Đại (Chương VII – Tiến trình phát triển của bài học). Trang 239. Nxb Giáo Dục 1985.