Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2008

Sơ lược một số phương pháp dạy học

I. Phương pháp truyền giảng:
Trong phương pháp này người dạy truyền sự hiểu biết của mình - chủ yếu thông qua lời nói - đến tất cả người học trong một lớp một cách đồng thời. Người học cố găng lắng nghe và ghi chép.
Như đã trình bày trong các chương trước, để áp dụng được quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm thì phương pháp dạy học được lựa chọn phải thích hợp trong một môi trường cụ thể với một đối tượng học sinh cụ thể. Chỉ có trong thời kì đầu của lịch sử dạy học khi người dạy chỉ phải làm việc với một người học thì điều đó đó mới khả thi một cách tự nhiên. Tình trạng lí tưởng đó tiếc thay lại không thể tái diễn ít ra là trong thời đại của chúng ta. Thừa kế cách tổ chức dạy học theo kiểu trường - lớp của lịch sử tổ chức dạy học, một thày dạy cho một lớp đông người học, cùng lứa tuổi và trình độ tương đối đồng đều thì thày giáo khó bề chăm lo cho từng học sinh được, khó bề hướng tới từng người học được! Một là: Hoặc hiện nay mỗi thày cô giáo phải quan tâm trước hết đến việc hoàn thành trách nhiệm của mình là “truyền đạt cho hết” những nội dung qui định trong chương trình và sách giáo khoa - những nội dung qui định trong chương trình và sách giáo khoa này đã được ban hành từ trên xuống và hầu như về phía người dạy không được phép thay đổi – thì việc thày “thông báo kiến thức” đồng loạt cho học sinh là một lựa chọn “tự nhiên” nhất. Cách dạy như vậy đẻ ra cách học thụ động, thiên về thuộc lòng, ghi nhớ, ít chịu suy nghĩ và phê phán. Xã hội phong kiến nông nghiệp và thời kì đầu xã hội tư bản công nghiệp cơ khí hóa mới có thể cần những con người như vậy. Hai là: Hoặc nền giáo dục vẫn phải chấp nhận cách tổ chức dạy học theo kiểu trường - lớp nhưng phải trang bị đầy đủ các phương tiện công nghệ dạy học hiện đại, mà chủ yếu là công nghệ thông tin để người dạy và người học vượt qua được mối quan hệ “một thày - nhiều trò” nhờ vào khả năng tương tác của hệ thống công nghệ đối với từng người học, giữa các người học, giữa thày giáo và từng người học.
Lựa chọn 1 là không thể chấp nhận được trong thế giới đang tiến lên xã hội tri thức như hiện nay nhưng do những yếu tố về tài chính, về tổ chức và về khả năng đào tạo các nhà giáo đủ năng lực, lựa chọn 2 không thể xảy ra trong thời gian ngắn trước mắt. Vậy trong thời gian trước mắt cách dạy truyền giảng sẽ vẫn còn được sử dụng với một vài thay đổi cho phù hợp với hướng “lấy người học làm trung tâm”. Một số trong các cải tiến đó, hướng tới sử dụng nhiều hơn các phương tiện trực quan, hướng tới vấn đáp giữa người dạy và người học, hướng tới giúp người học tăng cường sự tham gia vào quá trình phát triển của bài học. Các phương pháp dạy học đó được gọi dưới một tên chung là “phương pháp dạy học tích cực”. Có thể kể:
o Phương pháp trực quan, thực hành: Người dạy sử dụng các phương tiên trực quan như mô hình, mẫu vật, tranh vẽ,… Các người học, dưới sự hướng dẫn của người dạy (người dạy chỉ đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn sự tri giác của người học) trực tiếp thao tác và thí nghiệm trên đối tượng cần quan sát và tự lực tìm ra tri thức mới.
o Phương pháp phát vấn: Là phương pháp trong đó người dạy đặt ra những câu hỏi để người học suy nghĩ và trả lời. Các câu hỏi này thường được chuẩn bị và cân nhắc một cách kỹ lưỡng trong giáo án của người dạy. Căn cứ vào hoạt động nhận thức của người học có thể phân thành 3 phương pháp phát vấn:
* Vấn đáp tái hiện: Các câu hỏi chỉ yêu cầu người học nhớ lại kiến thức đã học, không cần suy luận. Kiểu vấn đáp này không có mấy giá trị sư phạm. Thường chỉ dùng khi cần tạo mối liên kết giữa kiến thức đã học và kiến thức sắp học (hoặc vừa được học).
* Vấn đáp giải thích – minh họa: Nhằm làm sáng tỏ một đề tài đang học nào đó. Người dạy lần lượt nêu ra những câu hỏi kèm theo những ví dụ minh họa. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả khi có sự hỗ trợ của các phương tiện nghe nhìn.
* Vấn đáp phát hiện (Heuristic): Người dạy dùng một hệ thống câu hỏi đã được sắp xếp hợp lí để giúp người học từng bước phát hiện ra bản chất của vấn đề hoặc tính qui luật của sự việc.
Phương pháp phát vấn sẽ đi gần với quan niệm dạy học lấy người học làm trung tâm nếu người dạy có thể tổ chức để người học đi dần từ chỗ “nghe - trả lời” tiến đến thảo luận (discussion), hoặc ở mức cao hơn nữa: “tranh luận” (với nhau hoặc với cả người dạy).
II. Phương pháp dạy học nêu vấn đề:
Trong một xã hội phát triển nhanh, cạnh tranh gay gắt, trong một xã hội chỉ dành chỗ tốt đẹp hơn cho những cá thể và tập thể có sự sáng tạo, thì phát hiện sớm và giải quyết hợp lí các vấn đề nảy sinh trong thực tiển là một năng lực đảm bảo sự thành đạt của cá nhân (và do đó là của tập thể) trong cuộc sống, đặc biệt là trong kinh doanh. Vì vậy tập dượt và rèn luyện cho người học khả năng biết phát hiện, đặt ra và giải quyết những vấn đề gặp phải trong cuộc sống là một mục tiêu giáo dục quan trọng.
Cấu trúc một bài học (hoặc một phần của bài học) dạy theo phương pháp này như sau:
i) Đặt vấn đề, xây dựng bài toán nhận thức:
Đây là khâu quan trọng nhất. Nhìn ra được mình phải giải quyết vấn đề gì coi như như đã đi được nửa con đường. Thao tác của người dạy thường gồm các bước:
* Tạo ra tình huống có vấn đề.
* Nhận dạng ra vấn đề nảy sinh. Nhận dang ra những mâu thuẫn trong vấn đề nảy sinh.
* Phát biểu rõ ràng vấn đề cần phải giải quyết.
ii) Giải quyết vấn đề đặt ra:
* Đề xuất các phương án giải quyết. Lựa chọn phương án.
* Lập kế hoạch giải quyết.
* Thực hiện kế hoạch giải quyết.
iii) Kết luận về phương án giải quyết vấn đề:
* Thảo luận và đánh giá kết quả.
* Khẳng định hay bác bỏ cách giải quyết
* Phát biểu kết luận.
* Đề xuất vấn đề mới.

Về các mức độ của phương pháp dạy học này:
Mức 1: Người dạy đặt vấn đề, nêu cách giải quyết vấn đề. Người học thực hiện cách giải quyết vấn đề theo hướng dẫn của người dạy. Người dạy đánh giá kết quả làm việc của học sinh.
Mức 2: Người dạy đặt vấn đề, gơi ý cho người học nêu cách giải quyết vấn đề. Người học thực hiện cách giải quyết vấn đề theo hướng dẫn của người dạy khi cần. Người dạy và người học cùng tham gia đánh giá.
Mức 3: Người dạy cung cấp thông tin tạo tình huống có vấn đề. Người học phát hiện và xác định vấn đề nảy sinh, tự lực đề xuất các cách giải quyết vấn đề. Người học tự thực hiện cách giải quyết vấn đề. Người dạy đánh giá kết quả làm việc của học sinh.
Mức 4: Người học tự phát hiện tình huống có vấn đề, tự phát biểu được bài toán cần giải quyết, tự tìm ra cách giải quyết vấn đề, tự thực hiện việc giải quyết vấn đề, tự đánh giá việc giải quyết vấn đề. Người dạy chỉ có ý kiến bổ sung.
III. Dạy học hợp tác theo nhóm nhỏ:
Lớp học được chia thành từng nhóm từ 4 đén 6 người. Yêu cầu học tập được phân cho mỗi nhóm thực hiện. Việc chia nhóm như vậy có thể thực hiện trong một tiết học hoặc kéo dài trong một thời gian của một học phần. Trong mỗi nhóm các thành viên đều phải làm việc, không được ỷ lại vào một vài cá nhân năng động hơn hoặc giỏi hơn. Kết quả của từng cá nhân hoặc của mỗi nhóm sẽ đóng góp vào kết quả chung của cả tập thể. Mỗi cá nhân phải ý thức ràng buộc sức mạnh của tập thể.
Cấu trúc của một phiên làm việc theo nhóm như sau:
Làm việc chung cả lớp:
* Nêu vấn đề, xác định nhiệm vụ nhận thức.
* Tổ chức nhóm, giao nhiệm vụ.
* Hướng dẫn cách làm việc.
Làm việc theo nhóm:
* Phân công trong nhóm.
* Cá nhân làm việc độc lập rồi trao đổi và trao đổi.
* Tổng hợp kết quả đạt được của nhóm.
Tổng kết công việc của mỗi nhóm trước lớp:
* Mỗi nhóm cử đại diện trình bày kết quả đạt được của nhóm.
* Thảo luận chung.
* Người dạy tổng kết. Đặt vấn đề cho bài tiếp theo.

Để thực hiện được phương pháp dạy học nêu vấn đề và phương pháp nhóm nhỏ cần một vài kỹ thuật dạy học:
Kỹ thuật công não (brain storming): Kích thích người học, nhóm làm việc đưa ra cành nhiều ý tưởng, càng nhiều giải pháp càng tốt. Đầu tiên là ghi nhận các ý tưởng, các giải pháp. Không vội đánh giá các ý tưởng, các giải pháp. Thảo luận và tranh luận bảo vệ các ý tưởng, giải pháp đã đề xuất.
Nhóm rì rầm (buzz groups): Học sinh trao đổi nhỏ (!) với nhau về một vấn đề. Có thể là hai học sinh ngồi gần nhau hoặc tổ chức thành nhóm trao đổi với nhau về một vấn đề. Sau đó yêu cầu học sinh nêu ra, chia sẻ ý kiến với cả lớp.
Bể cá (Fish bowl): Một nhóm im lặng lắng nghe nhóm còn lại trao đổi với nhau để tìm hiểu cách mà nhóm này lập luận, giả quyết vấn đề. Sau đó đổi vai giữa hai nhóm.
Kim tự tháp (Pyramid): Chia ra thành các nhóm nhỏ để thảo luận, nghiên cứu về một vấn đề. Tổng kết ý kiển trong nhóm. Sau đó vấn đề được thảo luận sâu hơn bằng cách gộp hai nhóm nhỏ thành một nhóm lớn hơn. Rồi lại gom 2 nhóm thành một nhóm lớn hơn nữa cho đến khi còn một nhóm là cả lớp. Càng về sau ý kiến càng chắt lọc, sâu sắc hơn, chính xác hơn.

Trong hai phương pháp dạy học sau đòi hỏi giáo viên phải có trình độ tốt cả về kiến thức lẫn năng lực giải quyết các tình huống sư phạm. Giáo viên phải nghiên cứu rất kỹ vấn đề đang dạy. Càng tiếp cận sâu hơn phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm thì công việc tại lớp của giáo viên càng ít đi còn công việc (của giáo viên và học sinh) trước và sau giờ dạy càng lớn lên rất nhanh. Mục tiêu của các phương pháp đó là nhằm giúp học sinh được hoạt động nhiều hơn, thực hành nhiều hơn, thảo luận nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn